Lễ Chúa Ba Ngôi
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
(Ga 16,12-15)
Hội thánh long trọng tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, một Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi. Nhưng khả năng của con người rất giới hạn khi muốn hiểu và diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi. Trong ngôn ngữ con người: Cha thì hơn Con; và rất khó để tưởng tượng ra thế nào là “một” nhưng lại “ba”. Tuy vậy, điều chính yếu của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình yêu.
1. Thiên Chúa là Tình Yêu
Thực vậy, Thiên Chúa Ngôi Cha là tình yêu nguyên thủy, trao ban. Thiên Chúa Ngôi Con là tình yêu lãnh nhận, cho đi. Thiên Chúa Thánh Linh là tình yêu được chia sẻ, tràn đầy, hoan hỉ, hoàn hảo. Công đồng Constantinople (381) nói, có “một Thiên Chúa là Cha phát sinh mọi sự, một Chúa Giêsu Kitô làm chỗ dựa cho mọi loài, một Thánh Linh bao trùm vạn vật”.
Nói đến tình yêu Thiên Chúa, tức nói đến một xác tín thâm sâu. Xác tín này không phải là một công thức, nhưng là một tương giao cá vị và đầy tin tưởng. Đức Giêsu đã thốt lên“Ápba – Cha ơi!”, và tất cả cuộc đời của Người qui hướng về đó: Cha và Con là hai ngôi vị khác biệt, nhưng hợp nhất trong tình yêu, nên tuy hai mà là một: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” và “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 16,15; 14,9).
Nhờ Ðức Giêsu, chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương ta tới mức nào. Người mạc khải và tỏ bày tình yêu và lòng cảm thông của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại qua những biểu hiện và hành động con người, con người nhận ra Thiên Chúa qua ‘lời’, qua cách diễn tả của ‘máu thịt’. Nhờ Ðức Giêsu, chúng ta có thể hiểu biết phần nào về bản chất đích thực, siêu việt và không thể hiểu thấu của Thiên Chúa. Đức Giêsu diễn tả tình yêu Thiên Chúa một cách cụ thể và tuyệt vời bằng chính đời sống làm người của Người. Nhân loại không chỉ nhìn thấy một con người gần gũi với Thiên Chúa, nhưng là chính Thiên Chúa tỏ mình. Từ đó, tình yêu Thiên Chúa mang bộ mặt nhân loại và hữu hình, có thể hiểu biết và dễ dàng theo đuổi cũng như noi gương.
Nhưng chưa phải là hết. Trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu cảm thấy mình được tham dự vào một thực tại được chia sẻ. Bởi vì trong sự hiệp thông đó, người Kitô hữu được sáp nhập vào một sức sống mãnh liệt. Thánh Phaolô bảo đảm Thánh Thần sẽ hướng dẫn tín hữu vào hưởng nếm tình yêu Thiên Chúa, cảm nghiệm sống động Ngài hiện diện trong các sinh hoạt thường nhật, nhất là khi chúng ta thực hiện đức ái: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, tiết độ” (Gl 5,22).
2. Sống Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi làm cho con người nhận thức rõ hơn về bản tính nhân loại của mình. Con người cảm thấy cần được hướng dẫn tới sự thật toàn vẹn, một sự thật chỉ thực hiện nhờ tình yêu tuyệt đối: “Khi nào Thần Khí sự thật đến… tất cả những gì Người đã nghe, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết… Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13.14). Chính sự thật này mời gọi con người tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi cho nhân loại được ‘biết’.
Tuyên xưng cũng chính là sống. Sống mầu nhiệm Ba Ngôi qua dấu Thánh Giá, qua lời chúc tụng Vinh danh Chúa Cha, Chúa con cùng Thánh Thần Thiên Chúa, và qua tinh thần của những người con đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.
Trong một xứ đạo ở vùng quê hẻo lánh, đa số người dân đều dốt vì thiếu học. Một hôm, nhân ngày lễ Chúa Ba Ngôi, Cha sở giảng một bài về Chúa Ba Ngôi rất hùng hồn. Trước khi kết thúc Ngài hỏi:
- Anh chị em có hiểu gì về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi không?
Cả nhà thờ im phăng phắt. Một lúc lâu có bà cụ đứng lên nói:
- Thưa cha, cha giảng rất hay và rất hùng hồn, nhưng con không hiểu gì hết. Con chỉ có chút kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày để kính Chúa Ba Ngôi thôi. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, con dành ba phút đồng hồ cho Chúa Ba Ngôi.
Phút đầu con nhớ lại những khuyết điểm của con trong ngày: nào là gây lộn với bà con lối xóm, nào là tức giận chửi mắng chó mèo... Con dâng lên Chúa Cha, xin Người tha thứ cho con.
Phút thứ hai con nhìn lại coi trong ngày con có làm được việc gì tốt không: cho chị hàng xóm miếng muối, miếng trầu, cho một đứa nhỏ cục kẹo... Con dâng lên cho Chúa Giêsu, và con thưa với Người: Con có chút việc lành đó, xin dâng cho Chúa, để góp phần nhỏ bé vào công trình cứu rỗi của Chúa.
Phút sau cùng con so sánh việc tốt việc xấu con đã làm trong ngày. Nhiều ngày con thấy việc xấu nhiều hơn, nhưng con cũng dâng lên cho Chúa Thánh Thần và nói: Lạy Chúa Thánh Thần, con hèn mọn yếu đuối quá, xin Chúa thương thánh hóa con, biến đổi con ngày càng tốt hơn, để xứng đáng làm con của Chúa Ba Ngôi.
Xin Chúa Giêsu, Đấng đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, cho chúng ta biết cộng tác tích cực vào công trình đầy yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.
Lm. FX. Nguyễn Phạm Hoài Thương