Chúa Kitô về trời, Chúa Thánh Thần hiện xuống, Tuần Cửu Nhật trước lễ Hiện Xuống
Với lễ Thăng Thiên, mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô được thực hiện trọn vẹn từ cuộc khổ nạn đến sự sống lại và vinh quang với Chúa Cha. Tuy nhiên, mùa phụng vụ Phục Sinh không kết thúc bởi lễ Thăng Thiên mà dẫn chúng ta đến việc thực hiện lời hứa của Chúa Kitô: gửi Chúa Thánh Thần xuống trên mọi xác phàm.
Lễ Thăng Thiên
Để các môn đệ ở lại, Chúa Kitô phục sinh trở về với Chúa Cha. Ngài biến khỏi tầm nhìn ngay cả khi đã hứa: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20). Chúa Kitô về trời dẫn đến sự hiện diện mầu nhiệm của Ngài trên thế giới, mở đầu thời đại đức tin: "Phúc cho ai không thấy mà tin" (Ga 20, 29). Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô sẽ không còn là cuộc gặp mặt trực tiếp nữa, nhưng sẽ luôn luôn thông qua chứng từ của các môn đệ, thể hiện bằng việc công bố và nghe Tin Mừng, bằng các bí tích - đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể - và bằng tình yêu thương của họ trong việc phục vụ mọi người.
Nếu Chúa Kitô trỗi dậy trong vinh quang, Ngài vẫn ở lại đây với các chi thể mình. Ngài ở trong chúng ta và, qua chúng ta, Ngài ở với thế gian. Vượt lên trên một sự khởi đầu buồn, cuộc về trời đồng thời là một sứ mạng hạnh phúc đối với các môn đệ. Là những người được lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta phải tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô, tiếp tục sứ vụ loan truyền Tin Mừng "cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1: 8).
1. Tuần cửu nhật trông đợi"Còn các con - Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi ra đi - hãy ở lại trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền lực từ trên cao" (Lc 24, 49). Không ai biết họ chờ đợi trong bao lâu, nhưng truyền thống phụng vụ đặt lễ Thăng Thiên chín ngày trước Lễ Ngũ Tuần. Một cách nào đó, sự thiết lập thời gian này dẫn đến việc thực hành tuần cửu nhật.
Nên lưu ý rằng, cần kết hợp lời cầu nguyện tuần cửu nhật từ ba yếu tố: lòng trung thành, Giáo Hội, lời hứa của Chúa Kitô.
Trung thành, vì mỗi ngày tiến hành cùng một nghi thức cầu nguyện. Giáo Hội, vì các môn đệ ở với nhau và hiệp nhất trong cùng một lời cầu khẩn. Lời hứa của Chúa Kitô là đối tượng của tuần cửu nhật. Toàn thể Giáo Hội tham dự vào hình thức cầu nguyện tuyệt vời này, mà phụng vụ coi như việc lặp lại thánh lễ, ở đó, lời nguyện mở đầu bao gồm một lời mời gọi Chúa Thánh Thần. Ví dụ, vào thứ bảy tuần 6: "Xin đổ tràn trên chúng con món quà của Thánh Thần" hoặc thứ hai tuần 7: "Xin xuống trên chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần". Cũng như trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh, lời cầu nguyện hàng ngày là lời cầu xin Chúa Thánh Thần, "Xin gửi Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con!", "Xin Chúa Giêsu làm cho Giáo Hội Ngài trở nên sống động nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần".
Liên quan đến hình thức cầu nguyện này là sự thể hiện mầu nhiệm cứu độ. Có thể nói rằng tuần cửu nhật trước Lễ Hiện Xuống là nguyên mẫu của tất cả các tuần cửu nhật khác.
2. Ngọn lửa truyền giáo
Điều chúng ta biết chắc chắn là "Chúa Cha trao ban Thánh Thần cho những người cầu xin Ngài" (x. Lc 11, 13). Chúng ta biết rất ít về những gì Chúa Thánh Thần sẽ làm cho ta, nếu ta để cho Ngài tác động! Cũng như các môn đệ tụ họp trong nhà Tiệc Ly đã chờ đợi "quyền lực từ trên cao" được Chúa Giêsu hứa ban, mà không biết những gì sẽ xảy ra và hiệu quả sẽ như thế nào. Cũng thế, tham dự tuần cửu nhật như thể để Chúa Thánh Thần tác động. Chúng ta không biết mình sẽ như thế nào vào ngày Lễ Ngũ Tuần? Chúng ta cũng chẳng biết Thiên Chúa sẽ làm gì để thay đổi triệt để cuộc sống hàng ngày của mình? Các môn đệ đã lên đường, được thôi thúc bởi ngọn lửa nội tại. Ngọn lửa nhiệt thành ấy thúc đẩy họ đi khắp tứ phương thiên hạ. Chúng ta có biết những gì đang chờ đợi mình? Không quan trọng! Vì sự tính toán nhân loại vẫn luôn hạn hẹp so với những gì Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi chúng ta.
Trong những ngày khởi đầu này, hãy cầu xin với niềm xác tín: "Xin giúp chúng con biết từ bỏ cuộc sống cũ. Xin gửi Thần Khí đến đổi mới và giúp chúng con nên thánh".
Marie Ruel, "Entrer dans la grande neuvaine" (Zenit.org) - Huuchanh chuyển ngữ