KHOẢNG LẶNG ĐỜI LINH MỤC
Trong đời sống tâm linh, mỗi Kitô hữu đều có những khoảng lặng của riêng mình. Đó là khoảng thời gian thinh lặng để cầu nguyện, viếng Chúa, hay những phút thinh lặng trong Thánh lễ. Đặc biệt đối với người linh mục, luôn có những khoảng lặng thiêng thánh, để gặp gỡ Chúa, gặp gỡ chính mình và gặp gỡ tha nhân. Khoảng lặng ngồi tòa giải tội; khoảng lặng đọc kinh phụng vụ; khoảng lặng chầu Thánh Thể; khoảng lặng cử hành Thánh lễ sốt sắng; và những khoảng lặng giữa đời thường. Những khoảng lặng ấy mang lại những lợi ích gì cho bản thân người mục tử và cho đoàn chiên mà Chúa giao phó cho người linh mục coi sóc.
Khoảng lặng ngồi tòa giải tội
Chúa Giêsu trao quyền tha tội cho các thánh tông đồ. Các giám mục, linh mục cũng có đặc quyền tha tội cho hối nhân. Đây là nét độc đáo của bí tích hòa giải của đạo Công giáo chúng ta. Người tín hữu đạo Tin lành không xưng tội với mục sư. Nhưng mỗi Kitô hữu đạo Thiên Chúa xưng tội với linh mục. Đó là một hồng ân cao quý trong đời linh mục. Và đó là một khoảng lặng trong đời linh mục, tại sao?
Bởi vì nơi tòa giải tội, vị linh mục lắng nghe bao tội lỗi của người khác. Lắng nghe để thấu hiểu và cảm thông. Lắng nghe để giúp hối nhân tìm được một hướng đi đúng đắn như lòng Chúa ước mong. Đó là khoảng lặng trong đời linh mục. Khoảng lặng này khiến người linh mục ra khỏi những mệt mỏi thể lý hay những căng thẳng tâm lý, để hướng lòng về những hối nhân đang mong chờ sự tha thứ của Thiên Chúa thông qua vị linh mục. Vì vậy, đó là khoảng lặng thật thiêng thánh và ý nghĩa biết bao. Khoảng lặng hướng về Chúa và hướng về tha nhân. Đời linh mục là vậy, phải quên cả bản thân mình, để phục vụ nhiệt tình cho Giáo hội và mọi người.
Khoảng lặng đọc kinh phụng vụ
Mỗi ngày sống, linh mục phải đọc 5 giờ kinh phụng vụ. Đó là luật buộc của Giáo hội. Đó là cơ hội để mỗi linh mục có những khoảng lặng cầu nguyện gặp gỡ Chúa, suy nghĩ về bản thân và cầu nguyện cho tha nhân. Vì thế, những lời kinh của linh mục thật đẹp và ý nghĩa. Linh mục cầu nguyện cho bà con bổn đạo, nhất là những bà con đang nghèo đói, thiếu thốn, và đang gặp nhưng đau khổ, bế tắc trong cuộc sống. Qua những lời kinh phụng vụ, mỗi linh mục cầu nguyện cho giáo xứ được bình an, tiến triển tốt đẹp về mặt nhân đức và các hoạt động tông đồ, bác ái. Qua lời kinh phụng vụ, mỗi linh mục thinh lặng cầu nguyện cho Giáo hội đang đứng trước biết bao thử thách và sóng gió.
Tâm lý tự nhiên, con người ai cũng sợ thinh lặng, ai cũng sợ phải đối diện với chính mình. Đôi khi người linh mục cũng cảm thấy mệt mỏi, khi phải dành ra những khoảng lặng đọc kinh phụng vụ. Đôi khi vì những lý do nào đó, khiến người linh mục cảm thấy khô khan trong khi đọc kinh phụng vụ. Điều này ai cũng đã trải nghiệm trong hành trình đời sống đức tin. Đó là những thử thách đòi hỏi mỗi linh mục phải đấu tranh với bản thân, để cố gắng vươn tới những gì tốt đẹp như lòng Chúa mong ước. Vì vậy, khoảng lặng đọc kinh phụng vụ trong đời linh mục đem lại những ích lợi thiêng liêng không chỉ cho bản thân mỗi người linh mục mà còn cho bà con bổn đạo, cho giáo xứ và Giáo hội hoàn cầu. Thật cảm động biết bao khi có một cha giáo đã tâm sự với các chủng sinh thế này: “Khi đọc kinh phụng vụ, qua mỗi Thánh vịnh cha dâng những ý nguyện riêng: Thánh vịnh đầu cha cầu cho chủng viện, chủng sinh; thánh vịnh tiếp theo cha cầu nguyện cho người đau khổ và tội lỗi; và thánh vịnh cuối cùng cha nhìn lại chính mình và cầu nguyện cho bản thân.”
Khoảng lặng chầu Thánh Thể và cử hành Thánh lễ
Thánh lễ và bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh và trọng tâm trong đời sống của người linh mục. Mỗi lần chầu Thánh Thể, người linh mục quỳ gối, thinh lặng cầu nguyện và chiêm ngắm bí tích Thánh Thể, bí tích của tình yêu tự hủy và tự hiến mà Chúa Giêu đã dành cho con người. Mỗi lần dâng Thánh lễ, người linh mục dành ra những khoảng lặng khi dâng Mình Máu Thánh Chúa, dâng cả cuộc đời của mình lên cho Thiên Chúa Cha. Hình ảnh của những khoảng lặng ấy thật đẹp.
Một vị linh mục cao niên đã chia sẻ kinh nghiệm của ngài thế này: “Việc viếng Chúa, chầu Thánh Thể, hiệp dâng Thánh lễ như là việc đem một cái bình ácquy đi sạc cho đầy. Bình sạc rồi đem sử dụng, một ngày nào đó sẽ hết điện, lại đem đi sạc tiếp.” Những chia sẻ này muốn nói rằng nếu thiếu những khoảng lặng cầu nguyện thì đời linh mục sẽ không hạnh phúc, luôn gặp nhiều vấn đề nan giải, ảnh hưởng không chỉ đến bản thân mà còn liên lụy đến Giáo hội.
Khoảng lặng giữa đời thường
Đêm giao thừa hàng năm, người người nhà nhà của bà con bổn đạo xum họp gia đình, ăn uống, trò chuyện vui vẻ. Nhưng đối với người linh mục thì đang ở xứ người, dù biết rằng giáo xứ là gia đình của người linh mục, bà con giáo dân là cha mẹ, anh em của người linh mục. Thiết nghĩ rằng, những cảm xúc rất con người cho thấy người linh mục đôi khi cảm thấy cô đơn. Cô đơn trong thinh lặng. Cô đơn vì không có ai để trò chuyện và thấu hiểu. Cô đơn với những cảm xúc rất thật của một con người.
Nhưng rồi chính trong những khoảng thinh lặng và cô đơn như thế, người linh mục càng cảm thấu ơn gọi sâu xa trong sứ vụ linh mục mà Chúa trao phó cho đời mình. Đó là những khoảng lặng của hy sinh. Đó là những khoảng lặng chiến đấu với chính mình. Và đó là khoảng lặng để người linh mục nhận ra thân phận mỏng giòn của đời mình, luôn khiếm tốn và bắt đầu lại mỗi ngày với ân sủng Chúa ban.
Tóm lại, những khoảng lặng trong đời linh mục là dấu chỉ cho thấy cuộc đời này luôn tồn tại những điều tốt đẹp. Giữa một thế giới ồn ào, náo nhiệt thì linh mục chọn cho đời mình những khoảng lặng để hiến dâng. Giữa một thế giới bon chen và xô bồ thì người linh mục chọn cho đời mình lý tưởng phục vụ tha nhân, không nghĩ đến lợi ích bản thân, thậm chí sẵn sàng hiến mạng sống vì tha nhân. Đó là những khoảng lặng của ơn Chúa nâng đỡ và giúp sức, để người linh mục mang lại những nét đẹp cho cuộc thế giới hôm nay!
Raphael Trần Dương Tuyển