Câu chuyện được thuật lại trong sách Samuel quyển I, chương 4, câu 1 đến 11 thật là "khủng khiếp" đối với dân Israel và có lẽ cả với nhiều người Kitô hữu ngày nay nữa.
Chuyện là Israel giao chiến với quân Phi-li-tinh. Họ bại trận. Chừng bốn ngàn người đã bị kẻ địch giết chết tại mặt trận. Trở về nhà, họ bàn luận với nhau về cách phục thù. Các kỳ mục quyết định cho kiệu Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa từ Silô về trại để phục vụ cuộc chiến của họ. Có Chúa ở giữa họ, họ sẽ đè bẹp bất cứ kẻ thù nào!
Khi Hòm Bia xuống trại, "toàn dân Israel phấn khởi đã hò reo vang dội khiến đất rung chuyển". Nghe tiếng reo hò, người Phi-li-tinh biết là Hòm Bia đã đến trại. Họ bảo nhau: "Một vị thần đã đến trại !" Theo kinh nghiệm, họ biết rằng vị thần này của Israel từng đánh phạt người Ai-cập để cứu dân mình. Nên họ rất sợ hãi. Như thế, về mặt tâm lý, sự hiện diện của Hòm Bia đã là một lợi thế cho Israel. Mới nghe biết có Hòm Bia về trại Israel mà họ đã khiếp sự như thế, huống hồ là rồi đây khi Israel sẽ cho khiêng Hòm Bia ra giữa trận chiến ! Thế nhưng chính vì biết tình thế đã trở nên vô cùng nghiêm trọng với họ, nên người Phi-li-tinh thay vì buông tay, lại tự động viên nhau phải can đảm lên để cứu lấy mình. Cuộc chiến lại nổ ra và, thật bất ngờ, dù có Hòm Bia Đức Chúa với mình, Israel vẫn đại bại, mạnh ai nấy chạy về lều của mình. Hòm Bia chẳng những không cứu họ lại còn bị chiếm đoạt, còn quân binh thì có tới ba mươi ngàn người tử trận.
Thật là "khủng khiếp" cho Israel! Sao lại có thể như thế được? Thiên Chúa của mình cũng chịu thua quân Phi-li-tinh sao? Lòng tin của họ bị thử thách nặng nề.
Nhưng đó có phải là niềm tin thật không? Bề ngoài có vẻ là niềm tin khi cho khiêng Hòm Bia ra ngay giữa trận địa nhưng kỳ thực đó là mê tín dị đoan. Hòm Bia Thiên Chúa chỉ còn là một thứ bùa, một "vật cầu may" mà thôi bởi vì lòng dạ Israel đã xa lìa Thiên Chúa từ lâu rồi. Trong các sách Tin Mừng sau này, chúng ta thấy mỗi lần ra tay cứu giúp một người gặp cảnh cùng khốn ngặt nghèo đến kêu xin Người, Chúa Giêsu thường giải thích: "Chính lòng tin của con đã cứu con!". Yếu tố quyết định là lòng tin, đến nỗi Tân Ước viết rằng có khi Chúa Giêsu không làm được phép lạ nào cho người ta vì họ không tin (x. Mc 9,23-24; 6,5). Và Chúa thì không muốn dùng phép lạ để ép cho người ta phải tin.
Con người gồm có xác và hồn, có bề ngoài và bề trong ; nói theo cách của một số người học thức, con người là tinh thần nhập thể. Bề trong bề ngoài đều cần thiết cả. Thường thì bề trong (ví dụ tâm tình của ta, ý nghĩ của ta) phải được diễn tả ra bên ngoài trong lời nói, cử chỉ, hành động. Khi ta yêu mến ai, đương nhiên ta sẽ tìm cách biểu lộ tâm tình đó ra bên ngoài, hơn nữa, lắm khi nó tự bộc lộ ra dù ta không cố tình cố ý... Đức tin đích thực cũng thế. Thánh Gia-cô-bê quả quyết: đức tin không hành động là đức tin chết (x. Gc 2,17). Không có chuyện sống đạo hoàn toàn tại tâm. Nhưng nếu nói cách triệt để thì cái tâm, cái thái độ bên trong mới có tầm quan trọng quyết định, chứ không phải cái bề ngoài. Các cử chỉ, lời nói, hành động bề ngoài đôi khi phản bội ta, nghĩa là không diễn tả hết hay diễn tả đúng những gì ta ấp ủ trong lòng; tệ hơn, không hiếm khi chính ta dùng chúng để lừa dối kẻ khác. Thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều:
"Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không gươm" .
Nhưng loài người lừa dối nhau chứ không thể lừa dối Thiên Chúa được vì Người thấu suốt lòng dạ chúng ta.
Câu chuyện dân Israel thảm bại dù đã đưa Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa ra trận địa, nhắc nhở chúng ta hai điều trong đời sống đạo. Điều thứ nhất là một lời cảnh giác. Phải canh chừng đừng biến các hình thức, những dấu hiệu bề ngoài của lòng tin, vốn luôn luôn cần thiết, thành cái vỏ không ruột, cái xác không hồn, nhất là biến thành những thứ bùa chú, ma thuật, những cái máy tự động "ban ơn", che chở chúng ta. Ảnh đeo cổ, tượng thánh gắn trên xe hay đặt trong nhà ngoài ngõ, nước thánh rảy trên mình hay trên đồ vật, làm tuần tam nhật hay cửu nhật, giữ chín lần liên tiếp thánh lễ ngày thứ sáu đầu tháng, đi hành hương v.v. , tự bản thân chúng không có sức thiêng nào cứu vớt chúng ta cả. Hiệu năng của chúng là do tự Thiên Chúa ban cho khi ta làm những việc đó với lòng tin yêu Chúa.
Điều nhắc nhở thứ hai, chính là một lời động viên người tín hữu sống đức tin, chứ không chỉ giữ đạo. Người Kitô hữu tiên vàn là người tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại cho hết thảy mọi người. Họ sống niềm tin ấy bằng sự gắn bó trọn vẹn với Người, hoàn toàn tín thác vào Người và, vì yêu mến Người, họ cố gắng tuân giữ các điều Người dạy bằng cách ra sức đem Tin Mừng của Người ra thực hành trong suốt cuộc đời. Họ biết rằng chính nhờ đức tin mà họ được cứu độ như Chúa đã phán : "Ai tin Ta sẽ sống muôn đời" (Ga 6,47). Đức tin soi sáng cuộc đời họ, làm cho nó có một ý nghĩa. Những việc sùng kính, những việc đạo đức có mục đích giúp các môn đệ Chúa Kitô sống cho ra người Kitô hữu hơn, gia tăng đức ái trong họ tức là lòng mến Chúa yêu người. Những việc đó đòi hỏi người ta phải có đức tin trước đã. Thiếu đức tin, chúng sẽ chẳng có ý nghĩa gì và sẽ giống như những chiếc bình rỗng.
Nên lưu ý rằng Giáo Hội không đặt các việc sùng kính ngang hàng với Lời Chúa và các Bí Tích. Ta không thể bỏ qua Lời Chúa và các Bí Tích được, trái lại ta vẫn có thể cầu nguyện với Đức Mẹ, mà không dùng tràng hạt, vẫn có thể sùng kính Mẹ mà không đeo ảnh Ngài trên cổ, và hiển nhiên là việc tham dự tích cực thánh lễ ngày Chúa Nhật vẫn có giá trị hơn tất cả mọi thứ sùng kính riêng tư. Các việc sùng kính này không được phép trở thành một cánh rừng rậm trong đó người ta bị lạc hướng và không nhìn thấy cái cốt yếu nữa. Đối tượng cốt yếu của lòng tin là chính Thiên Chúa, Cha chúng ta và Đức Giêsu Kitô Con của Người, Đấng duy nhất có thể cứu độ chúng ta, cùng với Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hoá chúng ta.
Tóm lại, nếu thiếu những tâm tình căn bản trên đây và chỉ quan tâm làm các việc đạo đức bên ngoài, rồi nghĩ rằng nguyên các việc đó đã đủ để cho mình được Chúa cứu giúp và ban ơn cứu độ, thậm chí mình có quyền được ơn ấy, nếu như thế thì đó là bùa chú, là mê tín dị đoan, không phải là đức tin Kitô giáo.
Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô