Duy trì tâm linh
Tâm linh là lĩnh vực đức tin, cần phải trau dồi không ngừng. Nhưng làm sao để có thể trưởng thành tâm linh trong suốt hành trình đức tin?
Thánh Phêrô đưa ra 8 “cột trụ” để các Kitô hữu khả dĩ duy trì Đức Tin một cách hiệu quả: “Anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái” (2 Pr 1:5-7).
1. NHIỆT TÌNH. Trong mọi điều chúng ta làm, chúng ta phải làm bằng cả nhiệt tình của tình yêu thương. Tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này, chúng ta sẽ trưởng thành và vững bước theo Chúa, dù có thể gặp chống đối hoặc thất bại, như tác giả Thánh Vịnh tâm sự: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà con phải thiệt thân” (Tv 69:10).
2. LÒNG TIN. Không có đức tin thì chúng ta không thể làm vui lòng Thiên Chúa, vì bất kỳ ai muốn đến với Ngài đều phải tin chắc rằng Ngài hiện hữu và sẽ thưởng cho những ai khao khát tìm kiếm sự công chính của Ngài: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33). Đức tin là điều kiện đầu tiên và cần thiết để sống đời Kitô hữu phong phú.
3. ĐỨC ĐỘ. Người đức độ là người nhân đức, nghĩa là luôn tuân giữ Luật Chúa và nghe theo Lời Chúa. Người nhân đức không hẳn là người hoàn hảo, vì chẳng có ai công chính trước mặt Chúa, và ai cũng được “lúc chào đời đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51:7). Nhưng điều đó có nghĩa là hằng ngày chúng ta phải theo đuổi sự công chính, sao cho hôm nay hơn hôm qua, ngày mai hơn hôm nay, theo ước muốn của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
4. HIỂU BIẾT. Học hỏi Lời Chúa là điều quan trọng, tìm hiểu Kinh Thánh là việc cần thiết. Vô tri bất mộ. Để sống Đức Tin có hiệu quả, chúng ta không chỉ đọc Kinh Thánh mà còn phải hiểu Kinh Thánh: Đọc bản văn (lectio), rồi suy niệm (mediatio), sau đó là chiêm niệm (contemplatio) để “thấy” mình trong đó, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
5. TIẾT ĐỘ. Kinh Thánh cho mỗi chúng ta quyền kiểm soát là quyền sử dụng Lời Chúa. Cách đối xử của chúng ta là sản phẩm của đời sống tâm linh và thời gian chúng ta đầu tư. Phải cố gắng hiểu cho đúng Lời Chúa chứ không thể hiểu theo ý riêng. Tiết độ còn là tự kiềm chế chính mình, vì Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8).
6. KIÊN NHẪN. Theo Hán tự, chữ “nhẫn” gồm chữ “đao” (con dao) ở trên chữ “tâm” (trái tim). Hàm ý gặp chuyện xấu mà chẳng chịu nhẫn nhịn thì tránh sao được đớn đau, như dao đâm thấu tim. Sự kiên nhẫn rất cần, nhất là trong những điều nhỏ mọn. Hành trình Kitô giáo là hành trình liên lỉ, nhấn mạnh vào việc luyện tập nhân đức hằng ngày.
7. ĐẠO ĐỨC. Đạo đức là sự cân bằng giữa sự khiêm nhường và phẩm giá của chúng ta. Chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1:27), thế nên chúng ta phải bắt chước tính cách của Ngài khi chúng ta đối xử với chính mình và với tha nhân.
8. TÌNH HUYNH ĐỆ. Rất cần trau dồi mối quan hệ hàng dọc với Thiên Chúa, nhưng mối quan hệ đó cũng phải thẫm đẫm trong mối quan hệ hàng ngang với tha nhân, vì tất cả chúng ta đều là anh em với nhau (Mt 23:8). Đức ái Kitô giáo bắt buộc chúng ta phải biết động lòng trắc ẩn, chạnh lòng thương xót và nhạy bén với nhu cầu của người khác.
Sưu Tầm