Trong bài giảng lễ sáng ngày 14 tháng 5 năm 2013 tại nguyện đường nhà Thánh Martha, Đức Giáo Hoàng Phanxicô (ĐGH) kêu gọi "sống một cuộc sống như là món quà để ban tặng" chứ không phải là "một kho báu để cất giữ". Vì tính ích kỷ "cô lập lương tâm" và cuối cùng con người rơi vào bẫy của Satan, một kẻ "luôn luôn lừa đảo".
Cuộc sống là một món quà để ban tặng
Đề cập đến Tin Mừng trong ngày, ĐGH ghi nhận rằng Chúa Giêsu đã mạnh mẽ khẳng định: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu" (Ga 15: 9-17).
"Tình yêu luôn luôn đi qua con đường hy sinh mạng sống mình", ĐGH nhấn mạnh và kêu gọi "sống cuộc sống như là món quà để ban tặng" chứ không phải là "một kho báu để cất giữ."
Trái ngược với thái độ này, Ngài dừng lại nơi khuôn mặt Giu-đa, người "không bao giờ hiểu quà tặng là gì": chẳng hạn, trong trình thuật "Magdalêna rửa chân Chúa Giêsu bằng dầu cam tùng rất đắt tiền", Giu-đa đã chẳng hiểu gì về thời điểm đó: "một khoảnh khắc trang nghiêm, một khoảnh khắc của lòng biết ơn, khoảnh khắc của tình yêu".
"Ý thức hệ" về sự nghèo khổ
Bị tê liệt bởi một "trái tim cay nghiệt", Giuđa phản đối: "Người ta có thể dùng số tiền đó để giúp đỡ người nghèo". Đối với Đức Giáo Hoàng, đây là "qui chiếu đầu tiên trong Tin Mừng về một ‘ý thức hệ’ đối với sự nghèo khổ. "Ý thức hệ" chẳng biết tình yêu là gì, bởi lẽ tự nó không biết dấn thân".
Và "tình yêu phát triển nhờ dấn thân" thì lòng ích kỷ của Giuđa "đạt đến sự phản bội". Nếu người quảng đại yêu thương luôn "trao tặng cuộc sống mình như một món quà", thì người ích kỷ "chỉ khư khư chăm chút cho cuộc sống mình" và cuối cùng sẽ "tồn tại trong cô đơn", thậm chí "mất luôn cả cuộc sống", ĐGH tiếp.
Tuy nhiên, ngài nhắc nhớ: "Người Kitô hữu dấn thân là người hy sinh mạng sống mình, như Chúa Giêsu nói, thì sẽ tìm thấy, sẽ tìm lại sự sống viên mãn".
Satan là kẻ quỵt nợ
Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng căn nguyên ích kỷ của Giuđa là "việc tôn sùng thần tượng": Giuđa là người tôn sùng thần tượng, và thần tượng của ông là tiền bạc ... ông là một tên trộm. Sự sùng bái thần tượng đã dẫn ông đến trạng thái tự cô lập mình khỏi cộng đoàn: đó là thảm trạng của ý thức bị cô lập.
Khi một Kitô hữu bắt đầu tự cô lập bằng tính ích kỷ, "anh ta còn cô lập ý thức của cả cộng đoàn, cô lập ý thức của Giáo Hội, và cô lập tình yêu Chúa Giêsu ban cho", Ngài nói, và cảnh báo thêm: Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng "tại thời điểm đó, Satan nhập vào tâm hồn Giu-đa". Và, phải nói rằng: Satan là một kẻ quỵt nợ. Luôn luôn lừa đảo. Lừa đảo mãi mãi!
Trong những ngày chuẩn bị cho Lễ Ngũ Tuần, Đức Giáo Hoàng mời gọi: "Hãy cầu xin Thánh Thần đến ban cho ta một trái tim rộng mở để có thể yêu thương tha nhân với lòng khiêm nhường, với sự dịu dàng". Và ngài kết luận: "Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần luôn giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ. Vì ích kỷ luôn đem lại một kết cục xấu xa".
Anne Kurian - Non à l'égoïsme qui isole! (Zenit.org)
Huuchanh tóm lược