Bí Tích Thánh Thể Và Cộng Đoàn Tu Trì
Thánh lễ là trung tâm đời sống chúng ta. Khi tuyên khấn, chúng ta được Hội Thánh liên kết cách mật thiết với hy lễ Thánh Thể mà hiến dâng cho Thiên Chúa.
Sự hiến dâng đó được tái diễn mỗi ngày, được đổi mới cách cụ thể nhờ sự hiệp thông với Mình và Máu Thánh Đức Kitô.
Do đó, hy lễ Thánh Thể trở nên mối dây liên kết tình yêu giữa anh em, là thần lương bồi dưỡng cuộc đời thánh hiến, và là nguồn phát sinh nghị lực tông đồ phong phú nhất.
Anh em cần chuẩn bị bầu khí để dâng lễ sốt sắng. Chính anh em phải tự chuẩn bị cho hiến lễ hàng ngày của mình trở nên lợi ích cho việc hiệp thông sâu xa với Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.
I. MÔ HÌNH CHO ĐỜI DÂNG HIẾN
1. Thánh Thể, Hiệp Thông Và Chia Sẻ
Đức Kitô đã tự nguyện trở thành tấm bánh bẻ ra để xây dựng thế giới mới. Đó là cách biểu lộ tình thương ở một mức độ cao nhất, bộc lộ hết ý nghĩa của hai chữ yêu thương. Ngôn ngữ của Thánh Gioan, ngôn ngữ của nhà Thần bí đã mô tả : “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Tấm bánh mà Đức Kitô đã tự nguyện trao hiến cũng phải trải qua nhiều công đoạn : hạt lúa phải được xay ra, nhào bột và nướng để trở thành tấm bánh thơm ngon.
Có thể nói, Người là hạt lúa miến tinh tuyền đã được gieo cấy trong trần gian, trước hết trong lòng Đức Mẹ Đồng Trinh, Người đã lớn lên trong ánh sáng mặt trời ở xứ Nagiareth, đã vươn lên trên nhân loại tội lỗi này, tựa cây lúa vươn lên giữa đống bùn nhơ. Rồi Người đã bị gặt hái… bị nghiền nát, bị nướng trong lòng, bị bẻ ra và được trao cho mọi người
Do đó, khi đón nhận Bí tích Thánh Thể, anh em được mời gọi trở thành tấm bánh Giêsu nuôi dưỡng sự thật của thế giới, một thế giới đang lao vào tối tăm của sự ác, của tội lỗi, bất công, dối trá, dần dần mất ý thức về tội. Khuynh hướng hưởng thụ và sự yếu đuối làm cho họ chạy theo những giá trị tạm bợ mau qua.
Với sứ mạng ngôn sứ, anh em được đặt như người lính canh để gìn giữ mọi giá trị cao đẹp nơi lòng người, nhận diện và đẩy lùi bóng tối và sự ác đang rình mò và đánh cắp, tước đoạt vẻ đẹp ấy nơi họ. Một sứ mạng đòi anh em luôn tỉnh thức và kiên cường, nhẫn nại và hy sinh. Một sứ mạng đòi anh em luôn biết sống cho sự thật và cả liều dám chết cho sự thật. Một sứ mạng đòi nhiều quả cảm giữa thế giới hôm nay.
Đón nhân Bí tích Thánh Thể, anh em cũng được mời gọi để trở nên tấm bánh nuôi dưỡng niềm hy vọng của nhân loại đang nhiều chán chường, tuyệt vọng và đánh mất niềm tin vào cuộc sống, vào con người và cội nguồn là niềm tin vào Thiên Chúa.
Niềm hy vọng tràn đầy hân hoan, khi nhận ra giữa dòng đời đang chảy, giữa cuộc đời đang trôi, Thiên Chúa luôn hiện diện, luôn ở cùng để dẫn dắt chúng ta trên nẻo đường về quê trời. Đó chính là Tin mừng của Đức Kitô mà anh em được mời gọi để sống và loan báo bằng cả cuộc đời. Lời loan báo hữu hiệu nhất là chính cuộc sống tràn đầy yêu thương, niềm vui và hy vọng của anh em.
2. Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể Mỗi Ngày
Đón nhận Bí tích Thánh Thể, anh em được mời gọi để trở thành tấm bánh Giêsu nuôi dưỡng sự sống yêu thương của Thiên Chúa giữa một thế giới đang rất đói, rất khát tình thương, một thế giới có nhiều người đang bị chà đạp, bị bỏ rơi trong cô đơn khủng khiếp. Hiện thân của Đức Kitô, hiện thân của lòng thương xót Thiên Chúa, khi anh em biết sống thứ tha và nhân ái.
Hiện thân của một Thiên Chúa tình yêu bằng một cuộc đời ân cần phục vụ cho hạnh phúc của tha nhân. Một tấm bánh luôn được bẻ ra để chia sẻ sự sống yêu thương, nối kết nhau thành một cộng đoàn huynh đệ, một gia đình của Thiên Chúa. Một tấm bánh nuôi dưỡng những con người mới cho một hế giới mới, một thế giới tràn đầy yêu thương, có khả năng vươn tới vĩnh cửu.
Nhưng để trở thành tấm bánh Giêsu nuôi dưỡng thế giới trong sự thật, niềm vui, hy vọng và yêu thương, chúng ta phải được mặc lấy chính Chúa Giêsu, mặc lấy tấm lòng và cuộc đời của Người.
Bao hạt lúa phải chịu nghiền nát để trở nên tấm bánh thơm tho, Chị em cũng phải chịu nghiền nát như Thầy trong hy sinh, tự hủy, tự hiến, trong ân cần phục vụ. Có dám bước theo con đường thập giá, chúng ta mới có thể mở rộng lối vào Phục Sinh cho mình và cho mọi người. Để trở thành tấm bánh Giêsu thơm ngon, dễ ăn và bồi dưỡng cho anh Chị em, khi chúng ta dám chấp nhận sự nghiền nát bằng cuộc đời khiêm tốn phục vụ hết lòng.
Hãy để cho dòng nước từ cạnh sườn Chúa (Bí tích) trộn vào nắm bột cuộc đời ta để làm thành tấm bánh thần linh mang nhiều phẩm chất dinh dưỡng. Hãy nướng tấm bánh đời ta trên ngọn lửa Thánh Thần, lửa tình yêu, để nên tấm bánh Giêsu thơm ngon, bổ dưỡng, dễ ăn, được bẻ trao nuôi dưỡng cộng đoàn và mọi người.
Đứng trước một thế giới đang đói, đang khát sự thật, tình thương, hy vọng và sự sống, mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần anh em được nghe tiếng Chúa ngỏ với lòng ta một cách tha thiết và thúc bách : “Các con hãy cho họ ăn” (Mt 14, 6), anh em có thể làm gì để đáp lại tiếng gọi của Người hôm nay ?
II. VIỆC TUYÊN KHẤN TRONG TIỆC THÁNH THỂ
Trong bữa Tiệc ly : Đức Giêsu cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng… rồi bẻ ra trao cho các ông (Mc 11,22). Đây là những động tác rất quan trọng mà cả bốn bản văn đều ghi lại (Mt 26,26 ; Mc 14,22 ; Lc 22,19 ; 1Cr 11,24). Bản văn của Gioan khi tường thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều cũng ghi lại những cử chỉ thánh đó (x. Ga 6,11).
Các nhà Tu đức và Phụng vụ đều cho rằng những động tác này mang tính phụng vụ và mang nhiều ý nghĩa tượng trưng trong đó chứa đựng ý nghĩa về tuyên khấn.
1. Người Cầm Lấy Bánh
Đức Giêsu cầm lấy bánh lát nữa đây là Thánh Thể của Người, Người cũng cầm lấy mỗi cuộc đời chúng ta, những con người mà Người đã yêu thương cách đặc thù và cá vị.
Người đã yêu thương âu yếm gọi ta vào đời. Người đã đưa ta vào huyền diệu của tình yêu trong ơn gọi của đời dâng hiến. Biết bao yêu thương, trìu mến, biết bao thăng trầm… và cho đến hôm nay bàn tay Chúa vẫn dẫn đưa.
2. Người Dâng Lời Chúc Tụng
Trong ngôn ngữ Hylạp cũng như Hipri, chúc tụng đồng nghĩa với tạ ơn, và trong ngôn ngữ phụng vụ, chúc tụng (benedictio) còn có nghĩa là làm phép, thánh hiến, chúc lành.
Tạ ơn muôn hồng ân Chúa đã dành cho ta, nhìn lại chặng đường đã qua bao ân tình Người đã trao ban…. Tâm tình thiết thực của chúng ta vẫn là lời tạ ơn Chúa và luôn mãi ước nguyện sống một đời cảm tạ.
Nhưng còn hơn thế nữa, chúng ta xin Chúa thánh hiến đời chúng ta : đời tu của chúng ta được chính Chúa gợi hứng, Người đã gọi ta bằng những cách nhẹ nhàng, thân tình, kỳ diệu… muôn vẻ, muôn cách khác nhau. Ta đã đáp lại theo tiếng Chúa gọi và rồi qua những năm tháng (đến mà xem và ở lại với Người (x. Ga 1, 38-39) ta muốn được tận hiến cho Người. Qua sự chấp nhận của Đức Giám mục, vị đại diện giáo quyền, Thiên Chúa sẽ thánh hiến cuộc đời hồng phúc này.
Thực ra ta đã được thánh hiến ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nhưng qua nghi thức khấn trọn, Giáo hội lần nữa thánh hiến con người ta. Chính vì thế, Thánh Thomas tiến sĩ Thiên Thần đã gọi lời tuyên khấn trọn đời là lần rửa tội thứ hai. Do đó, cả tâm hồn và thể xác của chúng ta đã được cung hiến, được dành riêng cho Thiên Chúa.
3. Người Bẻ Ra
Chúng ta đã chấp nhận để Chúa cầm lấy, đọc lời chúc tụng, rồi được thuộc về Chúa hoàn toàn, thì phải chấp nhận để cộng đoàn và Chúa bẻ ra. Tất cả cuộc đời mình thuộc về Chúa : thời giờ, sức khỏe, khả năng… tùy Chúa và các linh hồn sử dụng. Sự dâng hiến này đòi một sự từ bỏ để nhân loại được sống và được sống dồi dào.
Từ nay, đời mình được tận hiến cho Thiên Chúa, sẽ được Chúa bẻ ra : quyền sở hữu, quyền tự do, quyền lập gia đình… sẽ được hy sinh vì nghĩa lớn. Ta sẽ từ bỏ những của mau qua để mua lấy những của vĩnh cửu. Ta sẽ theo gương Người Nữ tỳ gương mẫu của làng Nagiareth xưa để thưa với Chúa : “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin thực hiện cho tôi như Lời Người đã nói”, để được cưu mang Chúa Cứu Thế cách thiêng liêng trong đời ta.
Làm như vậy là sống mật thiết theo vết chân Đấng đã phán : “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất và không thối đi, nó sẽ chẳng mang lại hoa lợi gì” (Ga 12,24).
4. Và Trao Cho Các Ông
Tại nhà Tiêc ly, khi Phêrô, Gioan và các môn đệ dọn bàn ăn lễ Vượt Qua ngày Thứ năm Tuần thánh, các ngài đã dâng lên Chúa bánh và rượu. Chúa nhận lấy, Người truyền phép để hóa bánh và rượu thành lễ vật hiến tế Chúa Cha. Chúa Cha nhận lấy, nhưng Ngài lại nhờ Chúa Con ban phát cho nhân loại.
Trong mỗi thánh lễ, công việc đó được lặp lại : Chúa là Tình Yêu. Tình yêu đòi sự hiệp nhất và chia sẻ. Vì thế, mọi người đến bàn Tiệc Thánh đều được mời để lãnh nhận lộc thánh Chúa ban. Đó chính là Mình và Máu Con Một Chúa.
Anh em cũng được mời gọi để lãnh nhận những gì mà khi tuyên khấn, anh em đã dâng lên. Từ nay, đời sống anh em được tận hiến cho Chúa, sẽ được Chúa nhận lấy và ban phát cho đại gia đình nhân loại : thời giờ, học vấn, tài năng, sự chăm sóc, niềm vui, nỗi buồn… được trao ban cho mọi người. Nói tóm lại, Đức ái được phân phát cho tất cả những ai cần đến sự giúp đỡ của anh em trên đường trở về nhà Cha.
Hằng ngày khi dâng Thánh lễ, đến phần truyền phép, các anh em hãy nhớ lại ngày trọng đại mình đã tuyên khấn trong Thánh lễ, nên nhớ đời ta là một Thánh lễ nối dài, nên đời sống của anh em cũng phải mang nặng ý nghĩa của một Thánh lễ liên tục trong đời sống.
Chớ gì một khi cầm lấy Bánh, thánh hóa, bẻ ra và phân phát cho mọi người, Chúa cũng cầm lấy đời sống anh em. Làm phép, bẻ ra và phân phát cho mỗi người cần sự giúp đỡ của anh em trên đường cứu độ.
Chớ gì tất cả các sinh hoạt của anh em sẽ được ăn nhịp với cuộc tế lễ hằng ngày nơi Bàn Thánh, luôn luôn được lặp lại, luôn luôn được đổi mới, luôn luôn được thích ứng với nhu cầu dân Chúa, chờ đợi ngày được loan báo MỘT TRỜI MỚI ĐẤT MỚI, sẽ không còn chết, không còn kêu ca, không còn khổ cực nữa, vì thế giới cũ đã qua đi (Kh 21,4).
III. YÊU MẾN THÁNH THỂ
1. Thánh Thể Trong Đời Sống Cộng Đoàn
Thánh Thể là một trong những điểm trọng yếu của chiều kích chiêm niệm. Ơn gọi của đời dâng hiến là ơn gọi sống nhờ Thánh Thể và cho Thánh Thể. Lòng sùng kính Thánh Thể nơi Chị em phải thân tình, sâu sắc và được coi là chính yếu trong sinh hoạt của Chị em
Cộng đoàn có Thánh Thể hiện diện giữa mái ấm huynh đệ, sẽ làm cho sinh hoạt của chúng ta sốt sắng và nhiệt tình hơn. Đức Giêsu hiện diện giữa anh em, chia sẻ cuộc sống với anh em, và biến ngôi nhà của anh em thành mái ấm Nagiareth, nơi mà mọi người tôn kính Thiên Chúa và yêu thương nhau. Thánh Thể phải là trung tâm của đời sống anh em, là nguồn nghị lực giúp anh em vượt thắng những khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ.
Nhà nguyện của các anh em phải ở vị thế trung tâm của cộng đoàn, mục đích ai cũng có thể đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhà nguyện của các anh em phải luôn luôn được giữ gìn sạch sẽ, trang trí mỹ thuật cho xứng đáng nơi thờ phượng, đó là cách biểu lộ tấm lòng của chúng ta dành cho Chúa. Xin các anh em cố gắng giữ thinh lặng và không gây ồn ào trong khu vực nhà nguyện, để tạo bầu khí thiêng thánh, tĩnh lặng, thuận lợi cho việc cầu nguyện và hồi tâm.
Anh em hãy gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể trong giờ chầu mỗi ngày, để xin Chúa thánh hóa hàng linh mục cũng như chúc lành cho các sứ vụ của anh em được tiến triển tốt đẹp.
2. Hãy Dành Thời Giờ Cho Chúa Giêsu Thánh Thể
Ngoài giờ chầu chung, anh em còn bày tỏ lòng tha thiết và sùng mộ bằng những giờ khắc bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Chính những giây phút âm thầm thinh lặng, lòng bên lòng Chúa (Os 2,16), anh em sẽ kín múc được nghị lực và hồng ân của Chúa. Đó là những khoảnh khắc tuyệt vời dành cho những tâm hồn dâng hiến.
Bên Chúa Giêsu, anh em sẽ nhận ra được tiếng gọi, ý muốn của Thiên Chúa dành cho anh em trước từng biến cố, trước mỗi việc làm, trong từng nhiệm vụ, đồng thời biết được sứ mệnh Chúa trao và biết sống theo sự dẫn dắt của Người.
Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, anh em cảm nhận được lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa, nghe được tiếng gọi mời trở về với Người… và đón nhận sức mạnh chữa lành của Thiên Chúa, để làm cho anh em nên hoàn thiện mỗi ngày một hơn.
Ngồi dưới chân Chúa, anh em sẽ tìm được an ủi trong những khổ đau, đỡ nâng trong thử thách. Thật vậy, chính Chúa Giêsu Thánh Thể đổ đầy cuộc đời anh em ánh sáng và sức mạnh, để không ngừng giúp anh em vượt qua thử thách, vươn tới Thiên Chúa, đạt tới cùng đích. Càng có một niềm tin sâu sắc được nuôi dưỡng trong Bí tích Thánh Thể, anh em càng cảm thấy an vui tiến bước trong cuộc đời.
Như vậy, nhờ năng gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, anh em hiểu được ý nghĩa cuộc sống, nhận biết cùng đích, tìm được lối sống tốt đẹp, đồng thời đón nhận dạt dào ân sủng của Chúa giúp anh em thăng tiến trong cuộc sống từng ngày, kiện toàn yêu thương với anh em, làm trọn ơn gọi vĩnh cửu của đời mình.
Sưu Tầm