Mẹ, Con và Internet
Trong bữa cơm tối, mẹ trẻ nghe con trai học lớp ba nằn nì: “Mẹ ơi, Chủ Nhật đi nhà sách nhé!”
Mẹ ừ à, vẫn mải nghĩ tới mấy ý tưởng sếp vừa gợi ý trong cuộc họp giao ban đầu tuần. Nhưng đến sáng hôm sau, bỗng nhớ đến tiếng năn nỉ thơ ngây.
Thế là mẹ tìm “anh Google” hỏi xem có sách thiếu nhi nào mới ra mùa Hè này, rồi mẹ đặt lệnh chọn luôn 10 cuốn Vinabook đang ca ngợi, kèm theo chính sách giảm giá đến 25%.
Buổi sáng cuối tuần, mẹ nhận được bọc sách Vinabook chuyển đến, chắc mẩm con sẽ rất vui khi nhận được món quà này nên không nhìn thấy ánh mắt con dường như có chút gì thất vọng khi mở chồng sách mẹ để sẵn bên đĩa thức ăn buổi sáng.
Đến tuần sau thì mẹ cảm thấy vừa bực, vừa khó hiểu khi thấy mấy cuốn sách còn nguyên, có vẻ như con chưa hề đụng tới. Cơn giận bùng lên khi con trai cất tiếng rủ mẹ cuối tuần đi nhà sách.
Nó thay đổi quá, mẹ than. Mẹ vào mạng kiểm tra bảng điểm cuối tháng, phát hiện mấy bài kiểm tra không đạt, mẹ mắng qua loa, dặn dò con phải học bài kỹ hơn, rồi chuyện cũng qua đi.
Cuối năm, mẹ vào trang web của trường, thấy bảng điểm của con tương đối tốt, liền gọi điện cho cô giúp việc nhờ họp phụ huynh vì bận chuyến công tác dài ngày.
Người mẹ ấy không biết mình đang để mất đi nhiều thứ. Từ lâu rồi mẹ không còn hứng thú cùng con đi nhà sách, quan sát con sà vào kệ sách, nhìn nó ngồi bệt dưới sàn lật xem một cuốn truyện tranh, nơi ngày bé mới biết đọc, nó bảo mẹ cứ đi chợ, để nó ở đây đọc sách vài tiếng rồi hãy quay lại đón.
Những người mẹ quên mất tuổi thơ của mình, quên cảm giác vui thích biết bao khi được lang thang hàng giờ trong cái trung tâm sách lớn nhất thành phố.
Mẹ quên mất mình từng nuôi dưỡng tình yêu sách chính nhờ cái không gian rộng lớn và bí hiểm này, từng thực hành bài học văn minh đầu đời nơi chốn công cộng: không được làm phiền người khác, không làm ồn, giữ gìn những cuốn sách mới tinh mà chủ nhà sách đã rất vui vẻ cho trẻ con mượn đọc. Chính trong nhà sách có nhiều đồ chơi trẻ em là nơi mẹ đã tập tính toán khoản tiền lì xì Tết tiết kiệm để mua đồ chơi và sách cho mình.
Bây giờ những người mẹ trẻ đã tập thói quen lo cho con từng bước đi, nhưng nhờ Internet, với sự phát triển của các nhà bán hàng trên mạng, nhờ kênh giao tiếp hoàn toàn qua mạng của các trường học chất lượng cao. Ở nhà mẹ không thể nói chuyện với con, vì lỗ tai nó lúc nào cũng gắn cái “tai nghe” nối với điện thoại.
Chẳng thiếu gì mẹ “nhao lên” Facebook lập tài khoản chỉ với mục đích theo con trên mạng, biết rõ hơn về con qua Facebook, nào con mong ước gì, làm bạn với ai, đang thương nhớ ai, muốn học ngành nào, nhất nhất mẹ đều biết nhờ con thổ lộ với bạn bè, rồi mẹ con “còm” qua lại, kết quả rất thông cảm với nhau vì là trao đổi công khai trước dư luận nên hai bên đều hết sức kiềm chế để giữ thể diện.
Quả thật Internet đã làm thay đổi cuộc sống rất nhiều. Bữa cơm, giấc ngủ đều kè kè chiếc điện thoại thông minh gọn nhẹ. Chuyến du lịch không phải là những ngày nghỉ ngơi, tâm sự, mà là hành trình chụp ảnh liên tu bất tận mà mẹ con đều là diễn viên chính để còn cập nhật trên mạng.
Bữa sáng trong khu du lịch, người ta thích chụp ảnh đến nỗi quên mất một buổi trò chuyện thân tình. Buổi tối người ta lại lo chọn ảnh và đếm “like” nên cũng không còn bao nhiêu thời gian dành cho nhau.
Thôi thì mẹ con gặp nhau trên mạng, ngay lúc mẹ bận rộn nhất, nhờ có mạng Internet vẫn giải quyết được bao việc cho con. Không cần gặp nhau và nói nhiều, mẹ vẫn có thể bấm bấm vài cái vào chiếc điện thoại thông minh để chuyển khoản nộp học phí, đặt mua một chiếc khăn hàng hiệu, bộ lắp hình Lego đắt tiền…
Cuộc sống đã thay đổi, chúng ta bắt buộc bị cuốn theo tiện ích của kỹ thuật số, nhưng làm sao để chọn cuộc sống thông minh nhất mà Internet cống hiến, chứ sao lại để mất đi những phút mẹ nhìn vào mắt con mà hiểu được tâm tư, thay cho những dấu hiệu chi chít quả tim hồng hay mặt cười mẹ con đã hào phóng trao nhau trên trang cá nhân như thế
Sưu Tầm