MẠNG XÃ HỘI & VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG
+Gm Giuse Vũ Duy Thống
Kể từ năm 2005, khi cuốn sách “Thế giới phẳng” (The world is flat), thuộc loại best-seller của nhà báo Thomas Friedman được phát hành, người ta đã chia sẻ ánh nhìn lạc quan với ông: thế giới con người trong tiến trình toàn cầu hóa thông tin sẽ không còn rào cản và phân cách nữa, nhưng sẽ gần gũi bởi biết nhau nhiều hơn. Chỉ trong nháy mắt hay như kiểu nói kỹ thuật vi tính, “chỉ cần nhắp chuột”, là mọi sự sẽ hiển hiện, thông tin ở cực này quả đất sẽ được cực kia nắm bắt, hình ảnh ở một nơi heo hút sẽ được phổ biến tại phố thị đông người. Thế giới như phẳng phiu không có gì vướng víu. Người thông tin và người nhận tin như trực diện trong đối thoại sẻ chia. Phải nói rằng lý thuyết “thế giới phẳng” rất ăn khách đáp ứng lòng mong mỏi của mọi người trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực tôn giáo. Người ta giao tiếp với nhau trong viễn ảnh của hòa bình và hạnh phúc.
1. Ưu điểm và nhược điểm
Xét về mặt kỹ thuật, các phương tiện truyền thông càng ngày càng chứng tỏ thế mạnh của mình với những biến tấu mỗi ngày mỗi nâng cao để phục vụ nhân loại. Nếu trong cuộc thi điền kinh Olympic, khẩu hiệu không quên là “cao hơn, nhanh hơn, xa hơn”, thì chừng như trong cuộc đua kỹ thuật, không nói ra nhưng ai cũng thấy có sự tiến bộ hằng ngày “bộ nhớ lớn hơn, tốc độ nhanh hơn, ứng dụng nhiều hơn”. Người ta sử dụng phương tiện truyền thông để nâng cao kiến thức, để giao kết đổi trao, để giao lưu gặp gỡ, để giao kết tâm tình, để giao dịch buôn bán…và để thực hiện muôn mối giao hảo giữa người với người. Một tháng trước đây, một cô gái có cha người Việt lao động bên Đông Âu đã hồi hương 30 năm trước không còn địa chỉ liên lạc, qua trang mạng đã gặp lại cha mình trong bất ngờ hạnh phúc.
Nhưng cũng chính mặt kỹ thuật này đã đã để lại những kẽ hở cho bọn xấu gọi chung là “tin tặc” manh tâm lợi dụng, khiến người sử dụng nhiều khi không biết đâu mà sử lý, thậm chí còn phải gánh chịu hậu quả thiệt hại khôn lường. Về khía cạnh này, phải coi “Vatileaks” mà Tòa Thánh phải hứng chịu như một sự cố thuộc về phương tiện truyền thông. Mới đây, ngày 24.4.13, trang twitter của tờ AP đã tung ra tin vịt “Nhà Trắng bị đánh bom và tổng thống Obama bị thương” khiến chỉ 3 phút sau thị trường chứng khoán thế giới sụp đổ và phố Wall bị mất 136 tỷ USD. Ngay hôm nay, 10.5.13, người ta cũng đang thẩm vấn một thanh niên vì đã tung tin trên facebook của mình là “có ba cô gái bị rạch đùi trên đường trước nhà hát lớn Hà Nội”, khiến xã hội hoang mang và thủ đô mất đi vẻ tươi tắn thân thiện.
2. Kỹ thuật và con người
Thế giới phẳng của phương tiện truyền thông xem ra tạo được sự gần gũi, nhưng không tránh được mê trận của một thế giới ảo vốn tồn tại giữa người truyền tin và kẻ nhận tin. Ai là người phải chịu trách nhiệm về việc để cho nhược điểm lấn lướt? Không thể đổ lỗi cho máy móc phương tiện truyền thông. Vấn đề xem ra ở phía con người, vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của truyền thông, vừa là chủ nhân vừa là kẻ thụ hưởng. Trong trường hợp người truyền tin bị tin tặc quấy phá để loan đi một tin ảo, thì kẻ nhận tin cần phải trang bị kỹ năng phân định và kỹ thuật ngăn chặn để khỏi bị thiệt hại. Nhưng nói gì thì nói, truyền thông với thời gian luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó không thể không nói đến vấn đề đạo đức liên quan tương tác đến người làm việc truyền thông, nội dung và mục đích truyền thông cũng như người đón nhận sứ điệp truyền thông. Chỉ khi nào có sự gặp gỡ giữa thiện tâm của người làm việc truyền thông, chân lý của nội dung được truyền đi và thành tâm của kẻ đón nhận, ở đó truyền thông mới chứng tỏ vai trò của mình là phục vụ chân thiện mỹ, giúp cho người người thăng tiến trong cuộc sống ý nghĩa hơn.
Nhưng vấn đề chẳng bao giờ giải quyết rốt ráo được vì nội dung của truyền thông luôn bị tác động bởi nhiều nhân tố khó có thể tách bạch, nào là chủ đề “tế nhị”, nào là lãnh vực “nhạy cảm”... Vì thế, chân lý truyền đi làm sao giữ được sự nguyên vẹn? Mark Zuckerberg được thế giới biết đến như nhà sáng lập Facebook, ban đầu ở quy mô nhỏ nội bộ của phân khoa vi tính, sau lan ra cả đại học và bây giờ là quy mô rộng của toàn thế giới với 500 triệu thành viên; thế nhưng trong cộng đồng mạng vẫn tồn tại một góc khuất nào đó tố giác nhà sáng lập này đã phỗng tay trên công khó và ý tưởng của nhóm bạn. Đâu là sự thật? Ai sẽ thanh minh cho ai?
3. Mạng xã hội và việc loan báo Tin Mừng
Ghi nhận những khía cạnh liên hệ xa gần đến truyền thông để bước vào chủ đề cuộc hội thảo hôm nay, cũng là sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân ngày thế giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 47 “Mạng Xã Hội: cửa vào sự thật và đức tin; những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng”. Chỉ cần đọc chậm chủ đề của sứ điệp này, người ta cũng thấy xuất hiện đầy đủ những yếu tố cơ bản của nhiệm vụ truyền thông: -phương tiện truyền thông là mạng xã hội; -mục đích truyền thông là loan báo Tin Mừng; -và nội dung của truyền thông chính là sự thật và đức tin. Đây không phải là bản xác định lập trường của Giáo Hội, chấp nhận sử dụng phương tiện truyền thông của thời đại để phục vụ cho Tin Mừng, bởi lẽ ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo Hội đã sử dụng và vận dụng nhuần nhuyễn phương tiện truyền thông do thời đại cấp cho là chữ viết để hình thành bốn cuốn Phúc Âm và toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước. Đúng hơn, đây là nỗi ưu tư Giáo Hội đặt ra cho mình như một sứ mạng phải chu toàn, là làm sao vận dụng được ưu điểm của những hình thức truyền thông thời đại để giúp con người gặp được Chúa Kitô và lớn lên trong đức tin? Và làm sao để Tin Mừng cũng được phổ biến trong lãnh vực kỹ thuật số vốn là một không gian mênh mông mới mẻ còn ẩn chứa nhiều kỳ diệu bất ngờ?
Sứ mạng của truyền thông, trong nhãn giới này, không còn là thông tin mà là thông truyền đức tin; không còn là loan đi tin tức mà là loan báo Tin Mừng. Và xin đừng quên: tác nhân trong lãnh vực truyền thông chính là người loan báo Tin Mừng; còn thụ nhân là bao la những con người cần được thăng tiến về mọi mặt tâm linh cũng như xã hội, cần được liên đới hiệp nhất, cần được cảm thông nâng đỡ, cần được chia sẻ lời cầu nguyện và niềm tin vào Thiên Chúa là Tình yêu cứu độ giầu lòng thương xót. Nói gọn lại là cần được lắng nghe Tin Mừng.
Ước mong, nhân dịp hội thảo này, ban Mục Vụ Truyền Thông của Giáo Phận nhà sẽ tìm ra cho mình một hướng đi tích cực, xác định xem sẽ sử dụng những phương tiện nào, và vất vả hơn đồng thời cũng ý nghĩa hơn, là khai thác ra sao để nội dung Tin Mừng được đến với mọi nhà. Trong Năm Đức Tin, xin cho mỗi thành viên ban Truyền Thông biết nuôi nhiệt huyết của mình bằng ơn thánh Chúa, tình yêu dành cho Giáo Hội và sứ mạng đến với tất cả mọi người.
+Gm Giuse Vũ Duy Thống