Không dám nhìn thẳng vào khuyết điểm…
Với lối sống vô trách nhiệm với môi trường và thiếu ý thức, nhiều bạn trẻ đang tự đánh mất chính mình.
Có nhiều dân tộc không ngại công bố cho cả thế giới biết hình ảnh xấu xí của họ. Cảm xúc của hàng triệu người khi gấp lại trang sách ‘Người Nhật xấu xí” hay “Người Mỹ xấu xí”… không phải là sự ghê tởm hay xem thường mà trái lại, đó là sự trân trọng. Trân trọng một dân tộc dám nhìn thẳng, nói thẳng, dám xát muối vào vết loét nhiễm trùng trên da thịt dù chịu xót xa.
Không thể có một khái niệm hoàn hảo nhưng con người không vươn tới sự hoàn hảo thì chỉ có thể đi lùi. Cái phần lớn người Việt đang thiếu trầm trọng không chỉ niềm tin, ý thức mà còn cả sự thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá chính mình. Nói theo một chủ trương quen thuộc thì đó là "phê và tự phê”. Khi dám nhìn thẳng vào những hạn chế của mình thì chắc chắn tìm thấy được khát vọng, niềm và con đường phát triển.
Tất nhiên nhận định chủ quan của người viết không bao gồm tất cả người Việt theo kiểu “vơ đũa cả nắm”. Nhưng cái chúng ta đang bàn luận trên diễn đàn này không hẳn đã đi sâu vào cái tôi cá nhân riêng rẽ mà thiên về học thuật, tổng kết, mang tính xã hội học nhiều hơn. Chủ đề bàn luận hôm nay là một hướng "nghĩ mở-nói thẳng” rất hiệu quả đánh vào tâm lí “mị thân” của nhiều người Việt hôm nay. Bởi vì cái mỗi người Việt thiếu chính là việc tự (dám) thừa nhận thói xấu của bản thân và sửa chữa nó.
Rõ ràng chúng ta đã có những đánh giá khách quan mang tính xã hội học hẳn hoi về tâm tính con người Việt Nam. Những đánh giá toàn diện về thói xấu người việt sát với thực tế cũng tạo nên không ít sôi sục cải cách trong tư duy. Né tránh việc tự nhận dẫn đến dối trá, bảo thủ, không dám chịu trách nhiệm…tạo một tư duy ích kỉ. Tư duy ấy sẽ thể hiện ngay trong việc làm, dẫn đến việc cả nể, e dè, bao che cho nhau.
Bao che cho nhau những việc xấu nhưng không thể nhịn nhường nhau chỉ một chút va chạm nhỏ đẫn đến xô xát, thương vong, rồi trả thù bằng những thủ đoạn dã man. Không ai thừa nhận mình nhỏ bé, không mấy người dám nhận mình sai mặc dù nhiều khi lên mặt thể hiện và chỉ trích người khác. Khi đuối lí cũng vẫn còn bảo thủ. Lỗ Tấn tạc nên AQ thực sự đã vượt qua biên giới Trung Quốc, người việt không ít những con người như AQ vây.
Nhiều người Việt không dám nhìn thẳng vào mình, khi bị phê bình thì thù hằn cá nhân, xem vỏ bọc thể diện cao hơn nền tảng đạo đức. Nhìn nhận không chính xác về mình không chỉ gây ra ảo tưởng, hạn chế tư duy mà còn không thể “biết mình” mà tiến bộ được. Có người chịu sự phê phán thì nhụt chí tiến thủ. Cũng từ sự bất lực khi đối diện với chính mình mà không cất cao đôi cánh khát vọng Việt bay lên được
Không dám nhìn thẳng, nói thật = không văn minh
Tâm lí cố thủ trong vỏ bọc bản thân tồn tại được suy cho cùng nó còn tuơng đồng với trình độ xã hội. Xã hội vẫn còn dễ dãi, dung túng cho lối nghĩ ấy thì nó vẫn còn đất sinh sôi. Chúng ta có quá ít những chiến dịch dài hơi mang tầm nhận thức và kĩ năng vượt qua chính mình. Chừng nào chúng ta không dám nhìn thẳng, nói thẳng, không thể chiến thắng chính mình thì chừng đó chúng còn chưa đi lên văn minh được.
Sự dễ dãi của xã hội cũng là nguyên nhân dây dưa của căn bệnh này. Ai ai cũng nghĩ xã hội như mình, làm sai không bị lên án, kỉ luật nên đã “chờn" với đạo đức. Phê và tự phê không đạt hiệu quả cao, dân tộc thông minh cần cù nhưng khó tìm thấy sự thật thà, thẳng thắn. Dân tộc đại đoàn kết nhưng thói ích kỉ cá nhân không ít. Và dù không muốn thì chúng ta cũng phải thừa nhận một sự cạnh tranh ngấm ngầm thiếu lành mạnh trong không ít cơ quan, đoàn thể. Dù không dám nhìn nhận bản thân hay cố tình ảo tưởng về mình cũng đều đáng trách và phải sửa chữa cả.
Việt Nam chúng ta không hề thua kém quốc gia nào về truyền thống hào hùng, con người cá nhân Việt nam không ít lần đứng hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực. Vậy tại sao chúng ta còn trì trệ…? Không dám nhìn nhận thẳng thắn vào khuyết điểm chính là một bó rác quấn chặt vào bánh xe tiến bộ, chừng nào chưa gỡ bỏ đi thì dù có tăng ga, có đi đúng đường thì cũng không thể nào tới đích, chắc chắn chưa tới đích đã hỏng xe hoặc nản lòng tài xế.
Kinh tế là mũi nhọn của sự phát triển nhưng cái gốc của kinh tế không gì khác ngoài nhân tố con người. Tư duy con người cao hay thấp, nhân cách ra sao phụ thuộc vào hàm lượng văn hóa của người đó. Văn hóa làm nên con người, chỉ con người mới có khả năng cải tạo xã hôi. Và chừng nào con người chưa thẳng thắn nhìn vào khuyết điểm thì không thể sửa chữa nổi khuyết điểm và cái “nhọt” ấy sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, con người, quốc gia không tiến bộ được.
Bản ngã do môi trường hình thành. Thói quen làm nên tính cách và cả số phận, để thay đổi không dễ nhưng điều này hoàn toàn có thể làm được. Không có quốc gia hay cá nhân nào hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt. chúng ta cũng vậy, vấn đề là chúng ta có dám thẳng thắn nhìn vào và tìm ra giải pháp nâng cao con người chúng ta lên không.
Một tín hiệu thực sự đáng mừng là những năm gần đây xã hội có chiều hướng nhìn thẳng vào thói xấu của chúng ta, mà tiên phong là giới trí thức. Những diễn đàn thẳng thắn như “Vì khát vọng Việt”, talk show “nghĩ mở - nói thẳng”… cần phát huy thật nhiều, thật phổ cập và đồng bộ hơn nữa. Khuyến khích sự trung thực, thẳng thắn từ mỗi người dân Việt Nam.
Thiết nghĩ người Việt cần có một quyển sách nói lên những tính xấu của mình. Muốn chữa bệnh thì phải tìm ra căn nguyên của bệnh tật, tìm chính xác bệnh mình rồi thì mới có thể có phác đồ điều trị thích hợp.Tuy nhiên nói thì dễ, làm mới khó. Cái khó nhất vẫn nằm ở ý thức cá nhân.
Tác giả bài viết: Bùi Trí Lâm
Nguồn tin: www.giaoduc.net.vn